Hun đúc “lửa nghề” từ những đoạn gỗ thừa
Đến thăm nơi sản xuất và trưng bày các tác phẩm bàn trà gỗ của nghệ nhân Đào Thanh Nguyên (sinh năm 1979, Thanh Oai, Hà Nội) mới thấy hết những nét tinh tế, hài hòa của các bàn trà gỗ rất có hồn. Khách thập phương tham quan cơ sở của chị đều có chung một nhận xét: Mỗi một chiếc bàn trà thể hiện rõ trạng thái hỉ, nộ, ái, ố, mang theo cả tâm tư của nghệ nhân.
Chị Đào Thanh Nguyên bên bàn trà do chính mình tạo nên.
Nhiều người biết đến chị với những tác phẩm được chế tác từ gỗ rất độc đáo, đó là những chiếc bàn trà gỗ nguyên tấm hay gỗ lũa với đủ các tế dáng khác nhau. Ở đó, người xem như tìm lại được một cái gì đó mình đã vô tình đánh mất từ lâu khi bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống. Cũng bởi vậy mà chị được người dân nơi đây gọi bằng cái tên vô cùng thân thương “chị Hồn gỗ”.
Gia đình khó khăn, thời còn đi học, những ngày được nghỉ, bố đi vào rừng lái máy cày cày đất thuê cho bà con, chị thường đi theo phụ bố việc vặt.
Bàn trà được làm bằng gỗ lũa sử dụng các những cây tự nhiên được các nghệ nhân thổi hồn vào tác phẩm.
Những lúc như thế chị thường hay quan sát xung quanh để tìm các gốc cây, gỗ lũa, gom lại và nhờ bố chuyển về nhà. Tan học, rảnh rỗi là cô gái ấy lại tranh thủ mang những đoạn gỗ thừa để đục đẽo, biến chúng thành món đồ chơi cho riêng mình. Trí tưởng tượng phong phú, lại thêm khéo tay nên những món đồ chơi do chị tự làm đã hút hồn đám bạn cùng trang lứa.
Càng lớn lên chị lại càng thấy yêu những gốc cây đó, dù xấu xí hay mục ruỗng chị cũng đều thấy có một vẻ đẹp hấp dẫn chị đến kì lạ. Luôn tâm niệm trong gỗ có hồn, chị nung nấu ý định thực hiện cho được một bộ sưu tập với mong muốn giữ lại hồn của gỗ, giữ lại một chút thiêng liêng của đại ngàn.
Từ hồn gỗ…. đến hồn người
Với chị Nguyên, những tác phẩm chị làm ra không chỉ là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của riêng mình mà nó còn phải mang hơi thở của cuộc sống, phục vụ đời sống thường ngày. “Cái nghề này chẳng ai dạy mình đâu, là tự mình học cả đấy. Làm nghề này phải kiên trì, có khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo thì mới cho ra được những sản phẩm độc đáo, mới lạ”, chị Nguyên chia sẻ.
Bàn trà được thiết kế bằng gỗ lũa để tạo ra một hiệu ứng đẹp mắt độc lạ.
Theo chị, để có một tác phẩm ưng ý là cả một quá trình công phu. Từ những mảnh gỗ lũa sần sùi, được cọ rửa, xử lý hóa chất, nhìn ngắm, phác họa ý tưởng, rồi việc tìm thợ để hợp tác tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có hồn là việc làm không dễ. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc và cả niềm đam mê sáng tạo. Theo chị, chất liệu chế tác bàn gỗ chỉ là điều kiện cần, còn nghệ nhân phải tự tìm tòi cách thể hiện, tạo dáng thế nào cho hợp lý và để tác phẩm thêm sinh động. Một bức tượng điêu khắc trên gỗ có hàng trăm chi tiết cần phải thể hiện chính xác, mỹ thuật.
Bàn trà có một bề mặt gỗ được sơn để tạo ra một màu sắc tươi mới và bền bỉ.
Cái cách chị “biến hóa” khúc gỗ vô tri, vô giác thành một tác phẩm nghệ thuật thể hiện được những cảm xúc vui, buồn không phải nghệ nhân nào cũng làm được. “Tôi nghĩ rất đơn giản rằng ngay cả những thân gỗ vô tri mình còn có thể thổi hồn vào nó thì một con người có nhận thức tại sao không thể tạo cho mình một tâm hồn trong sáng. Chỉ cần có lòng tin, sự kiên trì chắc chắn sẽ thành công“, chị Nguyên lý giải.
Nghề mộc mỹ nghệ đến với chị Nguyên như cái duyên, ngoài mang lại việc làm, thu nhập, nó còn giúp chị thỏa mãn đam mê, góp phần tôn vinh giá trị nghệ thuật trong cuộc sống. Tính đến nay chị Nguyên đã theo đuổi nghề được hơn 10 năm, cho ra đời hàng nghìn chiếc bàn trà gỗ nguyên tấm, gỗ lũa khác nhau. Đồng thời xưởng sản xuất của chị cũng giúp nhiều lao động có công ăn việc làm ổn định.