Xuôi về mạn Thanh Oai, Hà Nội, chúng tôi tìm đến nhà chị Đào Thanh Nguyên- người phụ nữ được nhân dân nơi đây gọi bằng cái tên “chị Hồn Gỗ”. Chị là người có đam mê sưu tầm và “thổi hồn” vào gỗ để cho ra đời các loại mặt bàn trà gỗ nguyên tấm và mặt bàn lũa nghệ thuật.
Chị Đào Thanh Nguyên hay được gọi bằng cái tên “chị Hồn Gỗ”
Cơ duyên đến với nghề
Đam mê gần 30 năm, vào làm nghề chính thức hơn 10 năm, chị Đào Thanh Nguyên là “tay chơi” gỗ tài hoa và có những năng khiếu đặc biệt. Những ai đã từng đến với xưởng sản xuất của chị cũng đều trầm trồ và bị lôi cuốn bởi những mặt bàn trà nguyên tấm và gỗ lũa cực kì độc đáo và đặc sắc. Hàng trăm mặt bàn lớn nhỏ, ngang dọc, mỗi cái mang một hình hài, ý nghĩa đặc sắc riêng mà chỉ chủ nhân của chúng là chị Đào Thanh Nguyên mới biết được những câu chuyện bên trong sự độc đáo đó.
Những mặt bàn trà nguyên tấm và gỗ lũa cực kì độc đáo và đặc sắc.
Chị kể, thời còn đi học, những ngày được nghỉ, bố đi vào rừng lái máy cày cày đất thuê cho bà con, chị thường đi theo phụ bố việc vặt. Những lúc như thế chị thường hay quan sát xung quanh để tìm các gốc cây, gỗ lũa xù xì, cũ kĩ, gai góc. Từ giây phút ấy chị biết cuộc đời chị gắn bó với chữ “mộc”. Ngoài giờ học, chị thường lang thang đi tìm những gốc cây hoặc các khúc thân gỗ già thủng để mang về ngắm. Những gốc cây, rễ cây trải qua sự bào mòn của thời gian và cả những gốc cây bị đốt cháy nằm lãng quên giữa đại ngàn, sông suối cũng được chị Nguyên đưa về từ những ngày bắt đầu tập tễnh bước vào niềm đam mê của mình. Có những lần phát hiện được những gốc to đẹp, chị reo vui như bắt được vàng, phải nhờ bố hỗ trợ mang về.
Từ những gốc cây, gỗ lũa xù xì, cũ kĩ, gai góc để tạo ra một tác phẩm đến tay khách hàng là cả một quá trình dài.
Tốt nghiệp đại học trong TP.HCM, chị lập gia đình ngoài Bắc. Mặc dù cuộc sống xa nhà tất bật con cái, công việc cơm áo gạo tiền nhưng nếu có cơ hội đi đâu nhìn thấy các gốc cây lũa, chị lại không kìm được lòng mình, đam mê trỗi dậy thôi thúc chị phải làm gì đó. Vậy là kể từ đó đến nay, chị cũng đã gắn bó với nghề làm bàn trà được hơn 10 năm.
Người “thổn hồn” vào gỗ
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyên không giấu được sự xúc động khi nói về nghề: “Đam mê đưa chị tới nghề làm bàn trà lũa và bàn trà nguyên tấm. Là phụ nữ nhưng vì đam mê nên mình chọn làm cái nghề của đàn ông. Nhà không chỉ là nơi ta ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi, gắn bó hàng ngày mà còn thể hiện nét văn hóa vùng miền. Được sống trong những ngôi nhà nội thất gỗ sẽ cho ta có cảm giác ấm áp về mùa đông và mát về mùa hè, từ đó con người luôn thư thái, có thêm sức khỏe. Để tạo ra những chiếc bàn đẹp, hợp phong thủy với gia chủ và đậm chất văn hóa vùng miền thì việc lựa chọn nguyên liệu gỗ cho đến thiết kế được tính toán tỷ mỷ, chi tiết. Chất lượng gỗ tốt sẽ tạo ra những chiếc bàn chất lượng, bền bỉ với thời gian. Những hoa văn, họa tiết sẽ tạo nên tính thẩm mỹ cao, khiến ta cảm nhận được cái đẹp tự nhiên qua từng loại vân của gỗ”.
Ngoài đam mê sưu tầm và “thổi hồn” vào gỗ với chị việc thưởng trà cũng là một thú vui sau những khoảng thời gian bộn bề trong công việc.
Từ khâu chế biến gỗ thô sơ thành những sản phẩm bàn trà đẹp mất rất nhiều thời gian và công sức. Từ những nguyên liệu tưởng chừng vô tri vô giác nhưng dưới bàn tay tài hoa của chị những khúc gỗ ấy đã trở thành những kiệt tác phục vụ cho đời sống, tinh thần con người. Đam mê và tâm huyết với nghề, đến nay cơ sở của chị cũng góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
Với nhiều người, những khúc gỗ lũa mục nát kia chẳng còn mấy giá trị, nhưng dưới con mắt của chị Nguyên nó ẩn chứa một linh hồn. Để có những tác phẩm thể hiện được ý nghĩa sâu sắc, chị Nguyên cảm nhận, chăm chút, nâng niubằng cái tâm của mình. Cứ như thế, miệt mài trong suốt hơn 10 năm qua, bộ sưu tập của chị ngày một dày thêm. Chính chủ nhân của nó cũng không thể nhớ hết được mình có trong tay bao nhiêu tác phẩm bàn trà được chế tác từ gỗ.
“Rừng của chúng ta đang ngày càng bị thu hẹp, không chỉ bị tàn phá bởi bàn tay của con người mà thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gây cháy rừng cũng làm cây cối không còn nhiều. Bản thân mình luôn thấy trong thân cây gỗ còn có một linh hồn. Chính vì vậy mình nỗ lực “thổi hồn” vào thân cây mục nát đó để cho con người chúng ta nhận thức hơn về việc cần bảo vệ rừng như thế nào. Ngồi trước những chiếc bàn trà do chính tay mình làm ra, mình thấy tâm hồn mình thanh thản, thả lỏng mình sống chậm lại”, chị Nguyên chia sẻ.
Mai Liên